Giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng biển

Để đáp ứng nhu cầu sản lượng hàng hóa dự báo có thể tăng cao trong thời gian tới do xu hướng chuyển dịch hàng hóa từ cảng Singapore về Việt Nam, Cục hàng hải Việt Nam đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy nhanh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền thông qua cảng biển.

Giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng biển- Ảnh 1.

Dự báo giá vận chuyển trong thời gian tới còn tăng cao - Ảnh minh họa

Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam (Bộ GTVT), thời gian qua, giá dịch vụ vận tải container trên thế giới tăng 12%, trong đó giá dịch vụ từ châu Á đến châu Âu tăng từ 11-14% và từ châu Mỹ về châu Á không đổi. Các tuyến nội Á ổn định hơn, tăng nhẹ khoảng 5-10%.

Giá cước tăng cao đột biến từ đầu năm

Nhiều doanh nghiệp cảng dự báo thời gian tới, cùng với nguy cơ thiếu container rỗng, giá cước vận tải biển có thể tăng chạm ngưỡng thời điểm dịch COVID-19 để đảm bảo chi phí của các hãng tàu. Trong đó, hãng tàu chủ yếu tăng phí xếp dỡ THC (Terminal Handling Charge: phụ phí xếp dỡ tại cảng tính cả cảng nhập hàng và cảng xuất hàng) và các phụ phí khác.

Đáng chú ý, theo một doanh nghiệp cảng biển, các hãng tàu không có tình trạng bỏ tuyến tại Việt Nam, nhưng số lượng chỗ trên tàu cho hàng xuất nhập khẩu của Việt Nam ít hơn trước, để dành các "slot" này cho hàng hóa của doanh nghiệp Trung Quốc. Ngoài ra, thực tế nhiều hãng tàu chủ yếu làm việc thông qua các đại lý. Do đó, giá cước đến với doanh nghiệp xuất nhập khẩu đôi khi không hẳn tăng từ hãng tàu. 

Theo Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), giá cước vận tải biển tăng mạnh từ đầu năm đến nay và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đặc biệt, trong vòng 1 tháng gần đây, giá cước tăng đột biến và tăng cao hơn so với với đầu năm không chỉ khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn chi phí bị đội lên cao mà còn đối diện với nhiều rủi ro, bị phạt hợp đồng nếu chậm trễ trong giao hàng.

Nguyên nhân được xác định là do việc định tuyến lại các tàu từ Biển Đỏ qua Mũi Hảo Vọng đã gây ra tình trạng tắc nghẽn cảng ngày càng tăng. Bên cạnh đó, những dấu hiệu leo thang trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung cũng khiến giá cước vận tải tăng.

"Chính phủ Mỹ có kế hoạch áp mạnh thuế lên nhiều loại hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc từ đầu tháng 8, nên các nhà xuất khẩu Trung Quốc và nhà nhập khẩu Mỹ muốn đẩy nhanh việc xuất nhập khẩu để né thuế, sẵn sàng trả cước vận tải cao để giữ chỗ, chiếm container trước", đại diện VLA cho biết.

Đại diện Hiệp hội Đại lý môi giới dịch vụ Hàng hải cũng cho biết, trước đây các hãng tàu báo giá cước cho thời gian 15 ngày đến 1 tháng thì nay chỉ báo giá theo tuần, thậm chí có thể thay đổi ngay trong ngày. Đơn vị này tính toán, với mức tăng ngưỡng 10-15%, doanh nghiệp phải trả thêm 10-15 USD/ container. 

Mặc dù giá cước tăng cao, nhưng hiện nay các doanh nghiệp Việt gần như không có sự lựa chọn. Bởi đội tàu biển Việt Nam hiện chỉ đang đảm nhận vận chuyển khoảng 10% thị phần, chủ yếu vận tải các tuyến gần như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và khu vực Đông Nam Á. Hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... hoàn toàn phụ thuộc vào hãng tàu nước ngoài.

Giảm thủ tục, tăng tốc độ giải phóng hàng hóa

Hiệp hội VLA cũng dự báo, giá vận chuyển trong thời gian tới còn tăng cao khi hầu hết chuyến tàu từ châu Á đến châu Âu vẫn đi vòng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi) khiến hành trình kéo dài thêm từ 9-14 ngày, để tránh xung đột ở Biển Đỏ. Đồng thời, tình trạng ùn tắc đã xảy ra ở một số cảng biển như Tangier (Morocco) hay Algeciras (Tây Ban Nha) vì các cảng này đột nhiên trở thành điểm trung chuyển hàng hóa giữa các tàu.

VLA khuyến cáo về tình trạng tắc nghẽn tại các cảng trên tuyến đường biển Á - Âu ngày càng gia tăng. Không chỉ các tuyến đi Mỹ và EU mà nhiều tuyến trong khu vực châu Á cũng đang rất nóng. Điển hình, cước tàu từ Trung Quốc về Việt Nam tăng lên 800-900 USD/container 40 feet, tăng gấp 5 lần so với trước.

Trước những biến động của thị trường vận tải biển, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng hải Việt Nam làm việc với các doanh nghiệp cảng, hiệp hội, hãng tàu để tìm hiểu vấn đề và tìm giải pháp tháo gỡ các vướng mắc.

Hiện, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các chi cục hàng hải tăng cường giám sát giá dịch vụ tại cảng biển và giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.

Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các hiệp hội, các doanh nghiệp cảng biển, các doanh nghiệp vận tải biển, doanh nghiệp xuất nhập khẩu, các cơ quan chức năng có liên quan trong việc giám sát chặt chẽ tình hình tắc nghẽn tại các bến cảng, tình hình cung cấp vỏ container phục vụ hàng hóa xuất nhập khẩu, báo cáo định kỳ Cục Hàng hải Việt Nam để đưa ra các giải pháp kịp thời.

Để đáp ứng nhu cầu sản lượng hàng hóa dự báo có thể tăng cao trong thời gian tới do xu hướng chuyển dịch hàng hóa từ cảng Singapore về Việt Nam, Cục hàng hải Việt Nam cho biết đã chỉ đạo các cảng vụ hàng hải, các doanh nghiệp cảng biển đẩy mạnh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng, giảm thủ tục hành chính tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tàu, thuyền hàng hóa thông qua cảng biển.

Về dài hạn, Cục Hàng hải Việt Nam tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan (hải quan) đẩy nhanh tiến độ giải phóng hàng hóa tồn đọng lâu ngày tại cảng biển, cũng như bổ sung các quy định về phân bổ nguồn kinh phí nạo vét tuyến luồng để tăng cường trách nhiệm của các cơ quan liên quan.

Đồng thời, bổ sung cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp áp dụng mô hình cảng xanh, tham gia tuyến hành lang vận tải xanh để có lợi thế hơn trong việc thu hút nguồn hàng và mở rộng tuyến vận tải.

Chia sẻ những khó khăn với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu do tác động của tăng giá cước vận tải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đã đề nghị các hiệp hội ngành hàng nâng cao vai trò, tập hợp các doanh nghiệp thành viên cùng xây dựng kế hoạch sản xuất, kế hoạch vận tải, làm cơ sở ký kết hợp đồng dài hạn với hãng tàu, giảm thiểu tối đa tác động của giá cước nhất là trong giai đoạn thị trường có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường như hiện nay.

Về phía Bộ Công Thương, cơ quan này cũng khuyến nghị, doanh nghiệp nên tính đến phương án chuyển hướng xuất khẩu sang những thị trường thuận lợi hơn, gần kề hơn như Trung Quốc, Nhật Bản, ASEAN...Bởi, hiện nay giá vận tải biển đi Bắc Mỹ, Tây Âu tăng giá 100% so với thời kỳ thấp điểm, trong khi đó các tuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia giá ổn định hơn.

Giảm thủ tục hành chính, đẩy nhanh tốc độ giải phóng hàng hóa tại cảng biển- Ảnh 2.

Giá cước vận tải biển lại tăng cao kỷ lục trong khủng hoảng Biển Đỏ - Ảnh minh họa

Giá cước vận tải biển đang tiến tới mức cao kỷ lục

Thống kê về chỉ số giá vận chuyển container của trang Drewry (Trung tâm Nghiên cứu hàng hải độc lập cung cấp thông tin về thị trường hàng hải), giá dịch vụ vận tải container từ châu Á đi châu Âu, châu Mỹ bắt đầu tăng cao từ đầu năm 2024, đạt đỉnh vào cuối tháng 1/2024. Sang tháng 2/2024, giá cước đã giảm dần.

Đến tháng 5/2024, mức giá lại tiếp tục tăng nhanh. Hiện nay, mức giá cao hơn 17% so với thời điểm tại tháng 1/2024, và bằng 45% so với mức giá đỉnh điểm tại thời kỳ đại dịch (tháng 9/2021).

Cụ thể tính đến ngày 6/6, chỉ số tổng hợp của Drewry đã tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet và đã tăng 181% so với cùng thời điểm năm ngoái. Theo ước tính, chỉ số tổng hợp hiện tại là 4.716 USD/container 40 feet, cao hơn 232% so với mức trung bình năm 2019 (trước đại dịch covid) là 1.420 USD.

Các công ty vận chuyển như Maersk đã tăng mức chi phí cho năm 2024 thêm 50-75%, tương đương lên 7 - 9 tỷ USD. Maersk cho biết, nhu cầu thị trường container tiếp tục tăng mạnh, và sự gián đoạn do cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Biển Đỏ cho thấy các dấu hiệu tắc nghẽn cảng tiếp tục gia tăng dẫn đến cước phí cũng tăng theo, đặc biệt là ở châu Á và Trung Đông.

Với xung đột đang diễn ra ở khu vực Biển Đỏ, tình trạng tắc nghẽn tại các cảng ở Địa Trung Hải và châu Á, tình trạng thiếu thiết bị và các chủ hàng xếp hàng nhập khẩu trước mùa cao điểm quý 3, áp lực trong hệ thống vận tải container vận tải đường biển vẫn ở mức nghiêm trọng.

Phan Trang

Lượt xem: 32
Nguồn:https://baochinhphu.vn/giam-thu-tuc-hanh-chinh-day-nhanh-toc-do-giai-phong-hang-hoa-tai-cang-bien-102240618130842482.htm Sao chép liên kết