Nâng cao năng lực ngoại ngữ cho sinh viên, đẩy mạnh hội nhập quốc tế
Việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, dạy học bằng tiếng nước ngoài là mục tiêu đúng đắn giúp sinh viên cải thiện khả năng ngôn ngữ và chuẩn bị sẵn sàng cho việc gia nhập thị trường lao động có tiêu chuẩn quốc tế.
Tăng khả năng cạnh tranh cho sinh viên
Vừa qua, Bộ Chính trị đã có Kết luận số 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Trong đó tiếp tục thực hiện nhiệm vụ: "Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ phát triển đất nước trong giai đoạn mới. Tập trung nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Khuyến khích các cơ sở giáo dục và đào tạo trong nước liên kết, hợp tác với các cơ sở giáo dục và đào tạo tiên tiến trên thế giới...".
Để thực hiện yêu cầu của Đảng về việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học, ngày 18/9, trường Đại học Kinh tế - Tài chính TPHCM (UEF) ký Hợp đồng hợp tác giữa nhà trường với hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English.
Với sự hợp tác này, Nhà trường hướng đến mục tiêu giúp sinh viên của trường đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra (IELTS quốc tế từ 5.5 trở lên) một cách thuận lợi và hiệu quả.
Theo đó, lộ trình ôn luyện IELTS hiệu quả với phương pháp độc quyền từ DOL English giúp sinh viên dễ dàng sở hữu chứng chỉ IELTS, sớm đạt chuẩn tiếng Anh đầu ra tại trường theo quy định, đồng thời chinh phục những điểm số ấn tượng nhằm mục đích ứng tuyển vào các bậc học cao hơn như thạc sĩ, tiến sĩ.
Sinh viên được nâng cao kỹ năng ngôn ngữ và phát triển toàn diện các kỹ năng nghe - nói - đọc - viết. Các bạn sinh viên UEF không chỉ đạt điểm cao trong kỳ thi IELTS mà còn cảm thấy tự tin hơn khi học các môn học thuật bằng tiếng Anh tại trường và giúp tăng khả năng cạnh tranh trong quá trình tìm kiếm cơ hội việc làm tại các công ty lớn trong và ngoài nước hay tại các tập đoàn đa quốc gia danh tiếng.
Người học có cơ hội tiếp cận với một phương pháp học hoàn toàn mới, rèn luyện khả năng tư duy mạch lạc, logic nhờ phương pháp Linearthinking (được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận); trải nghiệm học tập với nền tảng công nghệ hiện đại, giúp việc ôn luyện trở nên dễ dàng và hiệu quả hơn, phù hợp với tính chất bận rộn của các bạn sinh viên đa năng, đa nhiệm.
ThS. Lê Đình Lực, sáng lập viên kiêm CEO hệ thống tiếng Anh tư duy DOL English cho biết: "Điều chúng tôi kỳ vọng là thông qua hợp tác lần này, phương pháp tiếng Anh tư duy Linearthinking sẽ có điều kiện tiếp tục trở thành một phần quan trọng trong việc hoàn thiện kỹ năng tiếng Anh của sinh viên hơn nữa, góp phần tăng tính cạnh tranh của các bạn trong thời đại trí tuệ nhân tạo trỗi dậy mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Đây là thời đại mà ngoài kiến thức chuyên môn, người trẻ cần giỏi tiếng Anh lẫn kỹ năng mềm để nhận được cái ‘gật đầu’ của các công ty, tập đoàn lớn".
TS. Đỗ Hữu Nguyên Lộc, Phó Hiệu trưởng ĐH UEF cho biết: "Phần lớn các trường đại học hàng đầu trên thế giới thường tập trung vào chuyên môn chính và hợp tác với các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực đào tạo kỹ năng tiếng Anh cho sinh viên. Như vậy, xu hướng chuyên môn hóa ngày càng rõ nét và là chìa khóa để mỗi đơn vị giáo dục hoàn thành tốt vai trò của mình".
Thầy Lộc chia sẻ, trường Đại học Kinh tế - Tài chính (UEF) là một trường định hướng quốc tế, nơi mà tiếng Anh đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình giảng dạy. Tại trường, 50% chương trình học được thực hiện bằng tiếng Anh, 50% còn lại bằng tiếng Việt và có nhiều chương trình có toàn bộ quá trình đào tạo được thực hiện 100% bằng tiếng Anh, đòi hỏi sinh viên phải đạt trình độ IELTS cao.
Theo thầy Lộc, việc hợp tác với các cơ sở uy tín trong lĩnh vực đào tạo sẽ là giải pháp tối ưu trong việc nâng cao trình độ tiếng Anh cho sinh viên. Việc này không chỉ nâng cao chất lượng đào tạo mà còn giúp sinh viên đạt được các kỹ năng cần thiết trong thời gian ngắn hơn.
Giỏi ngoại ngữ khi áp dụng công nghệ
Theo ông Lê Đình Lực, có hai lợi ích lớn đến từ phương pháp học Tiếng Anh thông qua công nghệ. Đối với học viên, nếu các đơn vị giảng dạy tiếng Anh có thể số hóa toàn bộ nội dung học tập, tạo ra trải nghiệm mượt mà, giao diện đẹp mắt và nội dung chất lượng cao phục vụ cho việc học, học viên sẽ tiết kiệm rất nhiều thời gian tự học tại nhà. Với việc có sẵn đáp án và lời giải thích chi tiết, học viên có thể học và hoàn thành bài tập bất kỳ lúc nào, ngay cả vào những giờ khuya như 1-2 giờ sáng mà không cần đợi đến lớp để hỏi giáo viên.
Điều này giúp quá trình học trở nên nhanh chóng, tiện lợi và linh hoạt hơn, đồng thời giúp học viên chủ động hơn trong việc phát triển kỹ năng và kiến thức. Niềm đam mê học tập cũng vì thế mà tăng lên, từ đó nâng cao hiệu quả học tập rõ rệt.
Về phía giáo viên, khi học viên đã hoàn thành bài tập trên nền tảng công nghệ, giáo viên có thể dễ dàng theo dõi quá trình học của học viên, biết được họ đang gặp khó khăn ở đâu. Khi dữ liệu đầu vào đầy đủ và chính xác, việc hỗ trợ và điều chỉnh phương pháp giảng dạy của giáo viên cũng trở nên dễ dàng và hợp lý hơn, bởi quyết định được đưa ra dựa trên thông tin thực tế từ quá trình học tập của học viên.
Đây chính là hai ưu điểm nổi bật của việc áp dụng công nghệ vào giảng dạy và học tiếng Anh.
Nhật Nam