Ô tô điện ồ ạt ra mắt, gỡ nút thắt quy hoạch trạm sạc tại Việt Nam ra sao?

  • 19:57, 5/11/2024

Trước xu thế phát triển ô tô điện, các cơ quan liên quan đang tích cực phối hợp để đồng bộ, mở rộng quy mô hệ thống trạm sạc.

Việt Nam đón nhiều xe điện hướng tới mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050

Cơ sở hạ tầng trạm sạc điện đầy đủ với công nghệ sạc nhanh, đáng tin cậy và tiện lợi sẽ hỗ trợ việc sử dụng xe điện trở nên dễ dàng hơn, thúc đẩy giao thông vận tải thân thiện với môi trường và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.

Tại Việt Nam, một số doanh nghiệp đang tiến hành sản xuất, lắp ráp ô tô điện như Vinfast với xe điện chạy pin (BEV), Hyundai Thành Công với xe điện chạy pin (BEV) và xe hybrid (HEV), Thaco với xe hybrid (HEV) và plug-in hybrid (PHEV).

Trong giai đoạn cuối năm nay, các hãng xe vẫn tiếp tục ra mắt thêm nhiều sản phẩm ô tô thuần điện ở thị trường trong nước. Điển hình như BYD, thương hiệu đi đầu về công nghệ xe điện tại Trung Quốc.

Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô điện tại Việt Nam. Ảnh: Hyundai

Ngày càng có thêm nhiều doanh nghiệp kinh doanh ô tô điện tại Việt Nam. Ảnh: Hyundai

Với sự phát triển nhanh của xe ô tô điện trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp đã bày tỏ mối quan tâm đối với thị trường cung cấp các thiết bị và dịch vụ cho phương tiện giao thông điện, đặc biệt là trạm sạc cho ô tô điện tại Việt Nam.

Nhưng trên thực tế, đang có nhiều thách thức cho việc phát triển trạm sạc tại Việt Nam. Một trong những khó khăn nổi bật đó là chi phí đầu tư ban đầu cao.

Việc thiết lập một mạng lưới trạm sạc yêu cầu đầu tư ban đầu lớn, bao gồm chi phí xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị và bảo trì. Đồng thời, nhu cầu về xe điện tại Việt Nam vẫn chưa đủ lớn để đảm bảo doanh thu bền vững từ trạm sạc. Các tập đoàn lớn có thể vẫn còn dè dặt trước việc đầu tư mạnh tay khi chưa tới thời cơ "chín muồi".

Hiện nay, ngoài hãng xe điện VinFast tiên phong đầu tư hàng trăm triệu USD vào hệ thống các trạm sạc thì các hãng xe khác vẫn chờ đợi vào đầu tư của bên thứ 3, dù đã mở bán xe điện ra thị trường.

Theo đại diện Công ty Cổ phần giải pháp sạc xe điện iCharge, khó khăn lớn nhất trong đầu tư trạm sạc là chi phí rất lớn. Hiên nay, đầu tư cơ bản cho trạm 60-80Kw là hơn 700 triệu đồng và cho trạm 120 Kw là 1,2 tỷ đồng. Ngoài chi phí cố định này, còn các chi phí khác chưa ước tính được gồm đấu nối hạ tầng điện, giấy phép xây dựng, tiền thuê mặt bằng...

Cùng với đó, còn nhiều bất cập và rào cản, khiến các doanh nghiệp chưa thể đầu tư mạnh mẽ vào trạm sạc. Điển hình, TP. Hồ Chí Minh là một trong những trung tâm tiêu thụ ô tô điện lớn nhất cả nước, nhưng đầu tư cho trạm sạc tại đây hiện gặp nhiều khó khăn.

Cụ thể, các nhà đầu tư trạm sạc xe điện tại TP. Hồ Chí Minh cho biết, khi đăng ký địa điểm kinh doanh trạm sạc xe điện tại nơi công cộng, phải được Phòng đăng ký kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư phản hồi, rồi phải chờ phản hồi của các sở ban ngành khác và chính quyền địa phương tại nơi đặt trạm sạc. Doanh nghiệp không biết chờ đến khi nào, vì vậy rất bị động trong việc thực hiện dự án, trong khi đơn vị cho thuê mặt bằng làm trạm sạc lại hối thúc.

Bên cạnh đó, mạng lưới điện cũng chưa được thiết kế để đáp ứng nhu cầu sạc đồng thời của nhiều xe điện, đặc biệt tại các khu vực đông dân cư. Các chính sách ưu đãi để khuyến khích đầu tư vào hạ tầng trạm sạc cũng chưa có. Theo tính toán, nếu áp dụng đơn giá điện kinh doanh cho trạm sạc thì các doanh nghiệp đầu tư gần như không có lãi, thậm chí có thể lỗ vốn.

Gỡ nút thắt bằng cách nào?

Theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), đến năm 2030, số lượng ô tô điện tại Việt Nam sẽ đạt khoảng 1 triệu xe và đến năm 2040 là 3,5 triệu xe.

Với khuyến khích chuẩn của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) là 10 xe điện/trạm sạc, ước tính Việt Nam cần từ 100.000 - 350.000 trạm sạc trong 15 năm tới. Hiện tại, số lượng trạm sạc xe điện trên cả nước nhiều nhất vẫn là do doanh nghiệp VinFast đầu tư, với tổng số khoảng hơn 3.000 trạm và 150.000 cổng sạc, nhưng không chia sẻ cho các hãng xe khác.

Nhận định về tầm quan trọng của hệ thống trạm sạc, bà Nguyễn Thị Phương Hiền, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược và Phát triển Giao thông Vận tải thông tin rằng nếu muốn chuyển đổi sang xe điện thành công thì yếu tố tiên quyết là hạ tầng trạm sạc. Vì vậy, các đơn vị có thẩm quyền nên tập trung vào hỗ trợ xây dựng các trạm sạc trước tiên.

Liên quan đến nội dung này, TS Hà Đăng Sơn- Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng và tăng trưởng xanh cho rằng, hệ thống cơ sở vật chất hiện nay chưa thể đáp ứng nhu cầu của xe điện. Nếu phát triển phương tiện giao thông điện quá nhanh trong khi khả năng cung ứng và hạ tầng điện chưa đáp ứng được, sẽ là rào cản rất lớn về mặt kỹ thuật.

"Để thu hút người dân mua xe điện, cần đảm bảo khả năng đáp ứng đầy đủ hệ sinh thái, cơ sở hạ tầng thuận tiện. Trong khi thực tế, mạng lưới trạm sạc cho các tuyến đi từ thành phố này sang thành phố khác, tỉnh này sang tỉnh khác vẫn còn hạn chế", ông Sơn nói.

Ô tô điện ồ ạt ra mắt, gỡ nút thắt quy hoạch trạm sạc tại Việt Nam ra sao?

Chính phủ Việt Nam hướng tới đồng bộ, mở rộng hệ thống trạm sạc xe điện. Ảnh: VinFast

Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia đánh giá rằng Việt Nam cần có chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư trạm sạc điện về đất đai, quy hoạch, thuế, phí, cũng như cơ chế tính giá điện trên nguyên tắc hỗ trợ trực tiếp cho người sử dụng xe điện.

Về mặt tích cực trong việc phát triển trạm sạc xe điện, ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc Công ty GSM cho biết: "Phát triển trạm sạc là một trong những vấn đề mà chúng tôi được khuyến khích bởi các cơ quan quản lý. Thứ hai chúng tôi cũng đang hợp tác với các trạm xăng lớn để lắp trạm sạc. Càng ngày, chúng ta sẽ có càng nhiều trạm sạc hơn. Các nhà sản xuất sẽ phải tính toán từ sản lượng xe để xem bao nhiêu trạm sạc là đủ".

Đồng thời, một số đơn vị nhận định rằng trạm sạc phủ rộng góp phần tạo niềm tin cho người dùng chuyển sang xe điện. Đại diện hãng taxi Én Vàng cũng cho rằng, hạ tầng trạm sạc phủ rộng sẽ góp phần tạo niềm tin cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển đổi sang xe điện bởi điều nay ảnh hưởng tới hiệu quả kinh doanh và thời gian thu hồi vốn.

Do đó, trong buổi làm việc gần nhất về vấn đề trạm sạc xe điện, Bộ Công Thương thông tin rằng sẽ phối hợp cùng Bộ Khoa học và Công nghệ để cùng thống nhất trách nhiệm với những đơn vị liên quan như Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, chính quyền các địa phương trong việc quy hoạch đồng bộ hệ thống trạm sạc.

Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ khẩn trương, nghiên cứu, điều chỉnh quy hoạch Điện lực Quốc gia trong giai đoạn tầm nhìn đến năm 2050. Bởi hiện nay, nếu xu hướng sử dụng xe điện tăng cao thì lượng tiêu thụ điện sẽ rất lớn. Trong khi đó, quy hoạch mới chỉ tính về lượng tiêu thụ điện cho sản xuất, tiêu dùng nhưng mảng sử dụng xe điện chưa được đề cập tới.

Cho đến nay, việc quy hoạch nguồn điện cung cấp, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về các trạm sạc tại Việt Nam vẫn đang được Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ cùng các đơn vị có liên quan khẩn trương thực hiện. Đây là những tín hiệu tích cực để thị trường ô tô điện khí hóa tại Việt Nam phát triển, đạt mục tiêu giảm khí thải đối với phương tiện giao thông, hướng tới việc trung hòa carbon theo cam kết quốc tế của Chính phủ.

Trần Đình

Nguồn: congthuong.vn
Copy link