Giải pháp “thoát bẫy” thu nhập trung bình?

Việt Nam “sập bẫy” trung bình đã khá rõ, nên phải sớm có những giải pháp sáng tạo, đột phá, kịp thời và dũng cảm.

Đây là chia sẻ của TS. Nguyễn Anh Tú - Giám đốc NXB Đại học Kinh tế Quốc dân với DĐDN.

- Như ông nói, Việt Nam “sập bẫy” trung bình đã khá rõ, vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để bứt phá, “vượt bẫy”?

Việc Việt Nam “sập bẫy” trung bình đã khá rõ, nên phải sớm có những giải pháp sáng tạo, đột phá, kịp thời và dũng cảm. Theo đó, để tránh bẫy thu nhập trung bình thấp và tiến lên nước có thu nhập cao, vấn đề đổi mới mô hình tăng trưởng cần được ưu tiên hàng đầu.

Trên thực tế, văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng xác định, cần đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong đó, mô hình tăng trưởng mới cần chú trọng đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh phải dựa trên tiến bộ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là việc ứng dụng các thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; nhân lực chất lượng cao; sử dụng hợp lý, tiết kiệm, có hiệu quả các nhuồn lực.

Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo; tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu lại nền kinh tế, công nghiệp, nông nghiệp theo hướng tập trung phát triển các lĩnh vực, sản phẩm có tiềm năng, lợi thế, có công nghệ cao, sức cạnh tranh và giá trị tăng cao…

Trong đó, cần tập trung vào 2 điểm chính, thứ nhất đó là phát triển khoa học công nghệ và nhanh chóng xây dựng nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo trong tương lai và thứ hai là, phân bổ hiệu quả nguồn lực hiện có, bằng cách cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ vướng mắc.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

- Ông có thể phân tích rõ hơn trong việc phân bổ hiệu quả nguồn lực hiện có?

Về phân bổ nguồn lực, cần phát triển dựa trên lợi thế của đất nước và lợi thế từng vùng, miền. Theo đó, chúng ta phải chuyển cách làm hiện nay là, tất cả các địa phương tập trung ưu tiên đầu tư, phát triển vào ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo thì chỉ nên để một số địa phương có lợi thế về lĩnh vực này phát triển.

Còn lại, những địa phương như Đồng bằng sông Cửu Long; Tây Nguyên thì ưu tiên phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sản xuất lớn để tận dụng, phát huy tốt nhất lợi thế của vùng, miền.

Cùng với đó, Việt Nam cũng cần tập trung phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Muốn làm được như vậy, phải tháo gỡ khó khăn, tạo những điều kiện thuận lợi hơn nữa để khu vực này phát triển, đóng góp vào tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

- Như vậy, để đạt được mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam là nước phát triển, thu nhập cao, theo ông ngay từ bây giờ Nhà nước cần phải làm gì?

Chúng ta có nhiều việc phải làm, nhưng “tìm ra” một việc “cần làm ngay” cho mỗi chủ thể thì có thể tập trung vào một số điểm sau:

Nhà nước cần xây dựng đổi ngũ cán bộ, công chức giỏi, liêm chính, mẫn cán thông qua tuyển dụng, thi cử công bằng, tách ra khỏi những chính khách chuyên làm chính trị.

Thị trường, doanh nghiệp họ sẽ tự biết phải làm gì khi có một môi trường pháp lý chuẩn mực, rõ ràng, Nhà nước chỉ tạo hành lang, không phải lo lắng nhiều cho doanh nghiệp.

Thể chế chính trị cần duy trì ổn định. Thể chế kinh tế nên lựa chọn theo hướng Nhà nước kiến tạo phát triển.

- Trân trọng cảm ơn ông!

TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Với tốc độ tăng trưởng GDP 2,5% năm 2021, để đạt mục tiêu tối thiểu của nhiệm kỳ là 6,5%, thì con số trung bình hàng năm của 4 năm còn lại phải là hơn 7,5%. Tuy vậy, cho đến nay, dự báo lạc quan nhất cho năm 2022 cũng chỉ là 6,6%.

Diễn biến của 3 kỳ chiến lược cho thấy xu hướng tăng trưởng kinh tế nước ta giảm dần là rất rõ nét. Cứ 10 năm, tăng trưởng trung bình hàng năm giảm từ 0,5-1 điểm %; Từ 2004 đến nay, chưa năm nào đạt mức 7,5%.

Thực tế tăng trưởng trong hơn 30 năm qua cho thấy năm nay, khả năng phục hồi tăng trưởng có thể chỉ ở mức 4-5%; là mức rất thấp so với mục tiêu nhiệm kỳ.

Các phân tích trên đây cho thấy yêu cầu và áp lực đổi mới, hành động nhanh, mạnh chưa từng có đã trở thành mệnh lệnh không thể chần chừ để có thể đạt mục tiêu nhiệm kỳ 2021-2025. Nếu không, tăng trưởng kinh tế trung bình hàng năm của nhiệm kỳ này chỉ ở mức khoảng 5%.

TS. Đặng Kim Sơn, Nguyên Viện trưởng Viện Chính sách Chiến lược Phát triển Nông nghiệp Nông thôn:

Nếu tăng trưởng 6%/năm thì đến năm 2030, Việt Nam mới gần thành nước có thu nhập trung bình cao, mục tiêu này có thể phải chậm lại 1 năm (so với Nghị quyết Đại hội 13) và đến năm 2045 cũng khó đạt mục tiêu trở thành nước thu nhập cao của Đại hội 13 đề ra mà sẽ chậm 6-7 năm nữa.

Nếu tăng 7%/năm, Việt Nam có thể trở thành nước có thu nhập trung bình cao sớm hơn năm 2030 nhưng đến năm 2045, mục tiêu đạt mức thu nhập cao vẫn có thể bị chậm lại 1-2 năm.

Mô hình tăng trưởng kéo dài đến hiện nay khiến kinh tế Việt Nam “loay hoay trong bẫy thu nhập trung bình”. Cơ hội bứt phá, vượt lên trên là khá hiện thực nếu chúng ta kiên quyết chuyển sang mô hình tăng trưởng mới.

Lượt xem: 67
Nguồn:diendandoanhnghiep.vn Sao chép liên kết