Thấy gì từ chuyện làm ăn bết bát của Sudico?

Nhân chuyện mới đây CTCP Thương mại dịch vụ Đầu tư An Phát chi 4.200 tỷ đồng mua 36,65% cổ phần CTCP Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Sông Đà (Sudico), cũng nên tìm hiểu chuyện làm ăn của Sudico - từng được xem là một trong những “ông lớn” trên thị trường bất động sản, trong thời gian qua như thế nào?

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2022 của Sudico cho thấy doanh thu đạt hơn 192,4 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ năm ngoái, thế nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 13,2 tỷ đồng, giảm đến 53%. 

Nhiều năm kinh doanh sa sút

Trong khi đó, nợ phải trả của Sudico tính đến hết quý I/2022 là hơn 4.518 tỷ đồng. Như vậy, con số này đang gấp đôi vốn chủ sở hữu là hơn 2.210 tỷ đồng.

Về cơ cấu tài sản, công ty có tài sản ngắn hạn là hơn 4.000 tỷ đồng, trong đó phần lớn tài sản ngắn hạn nằm ở hàng tồn kho với 3.562 tỷ đồng. Giá trị hàng tồn kho chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Khu đô thị Nam An Khánh với giá gốc được cho là hơn 3.489 tỷ đồng.

HINH-1908-1651793197.jpg

Giá trị hàng tồn kho của Sudico chủ yếu nằm ở chi phí sản xuất kinh doanh dở dang tại dự án Khu đô thị Nam An Khánh với giá gốc được cho là hơn 3.489 tỷ đồng.

Nên nhắc thêm, hồi tháng 2/2022, Sudico đã phải đính chính báo cáo kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính đã công bố trước đó. Theo báo cáo tài chính sau khi đính chính, doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 220 tỷ đồng quý IV/2021, giảm 76% so với cùng kỳ; doanh thu thuần lũy kế cả năm 2021 đạt 747 tỷ đồng, giảm 34% so với cùng kỳ.

Theo đánh giá từ giới phân tích, mặc dù lợi nhuận của Sudico cải thiện trong năm 2021, nhưng dòng tiền hoạt động kinh doanh chính âm 398,1 tỷ đồng so với cùng kỳ lãi 61,6 tỷ đồng. 

Bên cạnh đó, trong năm, dòng tiền đầu tư âm 5,7 tỷ đồng và dòng tiền tài chính dương 521,1 tỷ đồng, chủ yếu tăng vay nợ. Như vậy, trong năm 2021, công ty đã huy động nợ vay để bù đắp thâm hụt dòng tiền kinh doanh.

Hồi năm 2021, tổng nợ vay ngắn hạn và dài hạn trong năm tăng 76,6% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 522,11 tỷ đồng lên 1.204 tỷ đồng và chiếm 17,4% tổng nguồn vốn. Và nếu tính trong 5 năm thuộc giai đoạn 2016 - 2021 thì lãi sau thuế đã giảm đến 81%.

Trên thị trường chứng khoán, Sudico là đơn vị “nổi tiếng” trong việc nợ cổ tức nhiều năm chưa chia (lần gần nhất là xin lùi đến 30/12/2022). Nguyên nhân vẫn là tình hình tài chính khó khăn, công ty chưa có đủ nguồn tiền để thanh toán.

Không chỉ vậy, chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn của Sudico luôn neo cao với nhiều dự án dậm chân tại chỗ. Do đầu tư dàn trải quá nhiều dự án lớn dẫn đến thiếu hụt nguồn vốn, cộng với nhiều dự án đang gặp vướng mắc, chưa thể hoàn tất xong thủ tục pháp lý khiến kết quả kinh doanh của công ty trong những năm gần đây kém khả quan.

Trong quý I/2022, Sudico tiếp tục kinh doanh bất động sản tại dự án khu đô thị Nam An Khánh và dự án mở rộng khu dân cư Bắc đường Trần Hưng Đạo - Hoà Bình. Tuy nhiên, do phát sinh chi phí tại CTCP Sudico Hoà Bình (công ty con của Sudico) nên lợi nhuận sau thuế của Sudico đạt thấp so với cùng kỳ.

Dấu hỏi dự án Nam An Khánh và “chuyện cũ” sử dụng trái phiếu sai mục đích 

Dự án khu đô thị Nam An Khánh có quy mô hơn 280 ha, thuộc địa bàn 2 xã An Khánh và An Thượng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội). Dự án do Sudico được cấp phép đầu tư năm 2004 và dự kiến hoàn thành vào năm 2009.

Sau nhiều năm triển khai xây dựng một cách chậm chạp, Sudico đã chuyển nhượng hàng loạt quỹ đất tại dự án này cho nhiều đối tác, nhưng vẫn khó khăn trên thực tế.

Hồi năm rồi, ban lãnh đạo Sudico tiếp tục giải quyết những vướng mắc tồn đọng tại dự án Nam An Khánh. Cụ thể là công tác thu hồi và giao đất trụ sở Viện hóa học và khu gia đình Bộ tư lệnh Hóa học. Về phần dự án Nam An Khánh mở rộng, công ty đặt kế hoạch thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng, tiến hành điều chỉnh quy hoạch và các thủ tục pháp lý khác. 

Đối với dự án này, Sudico đang ghi nhận hơn 3.489 tỷ đồng giá trị xây dựng dở dang, chiếm hơn một nửa tài sản của công ty (hơn 6.729 tỷ đồng). Nhiều hạng mục của dự án Nam An Khánh đã được sử dụng để làm tài sản đảm bảo cho các hợp đồng hợp tác đầu tư và khoản vay. Cụ thể, công ty cầm cố để vay Ngân hàng Việt Á (chi nhánh Hà Nội và Hoàng Mai). 

Bên cạnh đó, Sudico cũng sử dụng dự án này làm tài sản đảm bảo hợp tác đầu tư với CTCP Đầu tư Năng lượng An Phát và CTCP Dịch vụ Tân Nam Hồng.

Liên quan đến dự án Nam An Khánh, qua tìm hiểu những thông tin còn lưu trên một ấn phẩm về chứng khoán cho thấy cách đây hơn 10 năm, Sudico đã thực hiện 2 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp, với tổng giá trị phát hành 1.200 tỷ đồng, nhưng đều sử dụng sai mục đích phát hành.

Cụ thể, đợt 1 phát hành 500 tỷ đồng ngày 26/7/2011 nhằm mục đích đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc tại dự án Nam An Khánh, nhưng chỉ có 10,3 tỷ đồng sử dụng đúng mục đích. Phần còn lại (gần 490 tỷ đồng), công ty dùng để đáo nợ và thanh toán các chi phí của dự án khác, mà không phải dự án Nam An Khánh.

Đợt 2, phát hành 700 tỷ đồng ngày 8/8/2011, với mục đích sử dụng triển khai đầu tư hạ tầng và công trình kiến trúc tại tại dự án Nam An Khánh, thế nhưng công ty chỉ sử dụng đúng mục đích 62 tỷ đồng. 

Số tiền còn lại dùng để đảo nợ, trả nợ vay các công ty con và góp vốn vào một số công ty con. Đặc biệt hơn là Sudico còn dùng một phần tiền này để tài trợ xây dựng trường học tại Nam Định và Nghệ An.

Dù sự việc xảy ra đã lâu, tuy nhiên đó cũng là một bài học cảnh báo về lỗ hổng trong huy động vốn từ trái phiếu của các công ty bất động sản được xem là có “tên tuổi” trên thị trường. Điều này được thấy rõ từ phát hành trái phiếu không được sử dụng đúng mục đích theo quy định như trường hợp xảy ra tại CTCP Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua.

Hồi cuối tháng 4/2022, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành chỉ thị về kiểm tra, giám sát và chấn chỉnh hoạt động phát hành, đầu tư, cung cấp dịch vụ trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát hành riêng lẻ. 

Trong đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính có lưu ý trường hợp qua kiểm tra phát hiện doanh nghiệp không tuân thủ các quy định về công bố thông tin, về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán, quy định của pháp luật có liên quan hoặc có hành vi lừa đảo, có dấu hiệu chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư thì khẩn trương chuyển ngay cơ quan công an xử lý theo quy định của pháp luật.

Lan Thoa 

Lượt xem: 85
Nguồn:vnbusiness.vn Sao chép liên kết