Xuất nhập khẩu khởi sắc, thặng dư thương mại đạt gần 12 tỷ USD
Con số xuất siêu của cả nước sau nửa đầu năm đã cán mốc 11,85 tỷ USD, theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan.
Theo Tổng cục Hải quan, tháng 6/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 64,12 tỷ USD, giảm 1,3% (tương ứng giảm 0,88 tỷ USD) so với tháng trước.
Trong đó, xuất khẩu trong tháng đạt 33,66 tỷ USD, tăng 4,3% (tương ứng tăng 1,39 tỷ USD) so với tháng trước; nhập khẩu trong tháng đạt 30,46 tỷ USD, giảm 6,9% (tương ứng giảm 2,27 tỷ USD).
Trong tháng 6 nước ta xuất siêu 3,2 tỷ USD.
6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD |
Lũy kế 6 tháng đầu năm, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước đạt 369,62 tỷ USD, tăng 16% (tương ứng tăng 51,08 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, xuất khẩu đạt 190,73 tỷ USD, tăng 14,9% (tương ứng tăng 24,74 tỷ USD).
Hết tháng 6 có 5 nhóm hàng xuất khẩu đạt kim ngạch xuất khẩu từ 10 tỷ USD trở lên gồm: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 33,67 tỷ USD, tăng 31,5%; điện thoại và linh kiện đạt 27,15 tỷ USD, tăng 11%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 23,16 tỷ USD, tăng 17,3%; dệt may đạt 16,52 tỷ USD, tăng 4,6%; giày dép đạt 10,72 tỷ USD, tăng 8,8%.
Chiều ngược lại, hết tháng 6, kim ngạch nhập khẩu đạt 178,88 tỷ USD, tăng 17,3% (tương ứng tăng 26,34 tỷ USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
2 nhóm hàng nhập khẩu đạt kim ngạch chục tỷ đô là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 49,32 tỷ USD, tăng 27,9%; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng đạt 22,4 tỷ USD, tăng 15,1%
Hết tháng 6, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam thặng dư 11,85 tỷ USD.
Như vậy, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá đang có nhiều tín hiệu tích cực khi tiếp tục tăng trưởng ổn định ở 2 con số, thay vì suy giảm như nửa cuối năm ngoái.
Để đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hoá từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương xác định: Theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới. Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường; duy trì đều đặn các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài.
Ngoài ra, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bộ Công Thương cũng nỗ lực khai thác có hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA), đẩy nhanh đàm phán, ký kết các FTA, liên kết kinh tế mới để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và đẩy mạnh xuất khẩu; phát triển dịch vụ logistics; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển mạnh sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu;
Ngoài ra, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương; chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước; tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.
Bảo Ngọc